Tin Hoạt động >> Văn hóa

Văn Chấn: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn Văn hóa bản địa

16/11/2022 02:44:24 Xem cỡ chữ Google
Là huyện cửa ngõ khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái, Văn Chấn là huyện giàu tiềm năng phát triển du lịch. Những năm qua, cùng với việc quan tâm thu hút đầu tư, mở rộng các loại hình dịch vụ du lịch, huyện Văn Chấn đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của văn hóa các đân tộc coi đó là tài sản vô giá để thu hút du lịch đến với địa phương.

Du khách trải nghiệm văn hoá dân tộc Mông tại Không gian Văn hoá trà Suối Giàng

Nằm phía trên khu dân cư Pang Cáng, bên những rừng chè cổ thụ, Không Gian Văn hóa trà Suối Giàng được thiết kế đơn giản nhưng trang trọng. Chủ nhân của không gian này đã biết tận dụng khéo léo những vật liệu địa phương như: tường đá, ván lợp bằng pơ-mu, cột chống và bàn ghế bằng gỗ tạp loại, thi công theo phong cách mộc mạc. 

Với thiết kế 2 tầng, không gian này phục vụ, giới thiệu, trưng bày đặc sản trà Shan Tuyết, mở các lớp dạy pha trà, thưởng trà. Ngoài ra, còn có 11 căn bunggalow, một số phòng lưu trú cộng đồng và gia đình, có lều bạt để khách có thể nghỉ giữa thiên nhiên bao la.

Du khách đến với nới đây không chỉ được thưởng thức các sản phẩm chè được chế biến từ những búp chè Shan tuyết cổ thụ như Diệp trà, Hồng Trà, Bạch trà, Hoàng Trà, mà còn được trải nghiệm quy trình sản xuất và giao lưu văn hóa văn nghệ với đồng bào Mông. Thông qua việc nghiên cứu sản xuất các sản phẩm trà và đẩy mạnh quảng bá, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã có giá trị ngày càng tăng và đã có mặt ở thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, ý thức của đồng bào Mông trong bảo vệ các diện tích chè, ý thức sản xuất các sản phẩm chè có chất lượng đã được nâng lên một bước. Người Mông đã bắt đầu thay đổi tư duy phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch. Nhiều hộ gia đình đã biết gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, chỉnh trang nhà cửa và tổ chức các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.

Lễ hội tôn vinh cây chè Suối Giàng một trong những nét văn hoá độc đáo thu hút đông đảo du khách

Anh Đào Đức Hiếu - Giám đốc HTX sinh thái, du lịch Suối Giàng chia sẻ: Sau thời gian triển khai mô hình du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, chúng tôi thấy người dân Suối Giàng đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức. Đó là họ đã biết xây dựng khuôn viên, dọn dẹp nhà của cho sạch đẹp. Đặc biệt, nhiều tập tục lạc hậu đã được thay đổi. Tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy đã dần thay đổi theo hướng phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.

            Đối với xã Nghĩa Sơn, xã duy nhất của huyện Văn Chấn có đồng bào Khơ Mú chiếm đa số. Nơi đây vẫn còn lưu truyền rất nhiều nét đặc sắc, độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện qua các trang phục, hoạt động tín ngưỡng tâm linh và qua các hoạt động văn hóa văn nghệ. Những năm qua, cùng với việc động viên nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa, huyện Văn Chấn còn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương  thường xuyên tổ chức các lễ hội Lồng Tồng, và các hoạt động văn hóa văn nghệ để quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch.  Hưởng ứng các hoạt động tham gia Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, Khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022, xã Nghĩa Sơn đã  triệu tập 50 nghệ nhân, diễn viên tập luyện tham gia màn diễu diễn đường phố.

             Ông Lường Văn Si - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: Chúng tôi luôn tự hào vì còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc. Vì vậy ngoài việc động viên nhân dân gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các hoạt động lễ hội để động viên nhân dân phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

            Với địa bàn rộng, Văn Chấn có 18 dân tộc anh em có nền văn hóa độc đáo, đặc sắc. Đây là một trong những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Những năm qua, huyện Văn Chấn đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh, tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Cùng với việc chỉ đạo các địa phương tăng cường các dịch vụ du lịch, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản  bá du lịch, huyện đã chọn Tú Lệ, Sơn Thịnh và Suối Giàng làm điểm về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Đẩy là cơ hội để các xã, thị trấn đẩy mạnh quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương tới du khách gần xa, đồng thời động viên nhân dân tích cực đầu tư, phát triển các loại hình du lịch.

            Với định hướng đúng đắn trong phát triển du lịch cùng sự quan tâm đầu tư của nhà nước và các tổ chức cá nhân, đến nay du lịch Văn Chấn đã và đang phát triển mới theo hướng xanh, hài hòa và bản sắc. Với sự đẩu mở rộng quy mô và các loại hình du lịch du khách đến Văn Chấn ngày càng có nhiều lựa chọn các loại hình du lịch thăm quan, nghỉ dưỡng, khám phá trải nghiệm những nét đặc sắc trong cảnh sáng thiên nhiên và con người nơi đây.

Trần Van: Trung tâm TTVH Văn Chấn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h