Tin Hoạt động >> Tin tức tổng hợp

Xây dựng gia đình văn hóa – nền tảng hình thành con người văn hóa

19/01/2024 03:22:02 Xem cỡ chữ Google
Gia đình là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người; đồng thời, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đây cũng chính là mục tiêu hướng đến trong xây dựng gia đình văn hóa và là nền tảng hình thành con người văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước.

Một gia đình văn hóa tiêu biểu tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải (Ảnh: Hán Hằng)

Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Như vậy, để hình thành con người văn hóa cần xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng, các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ tại các làng, bản, tổ dân phố phải được phát huy và duy trì thường xuyêntrong gia đình, bao gồm những chuẩn mực đạo đức, tâm lý tình cảm, hành vi ứng xử được các gia đình gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ và được mỗi thành viên, tiếp thu, vận dụng vào cuộc sống.

Yên Bái là một tỉnh miền núi với 30 dân tộc cùng chung sống có 173 xã, phường, thị trấn và 1.356 thôn, bản, tổ dân phố, trong những năm qua Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai thực hiện với nhiều nội dung phong phú, đa dạng nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào,hướng đến xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó, xây dựng gia đình văn hóa được xác định là một nội dung then cốt và luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, dành nguồn lực để triển khai thực hiện, quyết tâm tạo được những hình mẫu thực sự nổi bật trong việc xây dựng các mô hình gia đình văn hoá ở các địa phương. Các gia đình văn hóa tiêu biểu đã trở thành những tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, trở thành những nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước các tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa và đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Công tác bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định, với tỷ lệ gia đình văn hóa tăng qua từng năm (tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu Văn hóa năm 2023 đạt 90,31% (tăng 8,1% so với năm 2022);tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạtdanh hiệu Văn hóa đạt 89,79% (tăng 20,59% so với năm 2022); ý thức tự giác của các gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa được thể hiện qua nhiều phong trào, cuộc vận động ý nghĩa, như “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”; “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình hiếu học”, "xây dựng gia đình nhà giáo văn hoá"…đã cổ vũ và khuyến khích mỗi gia đình nỗ lực trong xây dựng một mái ấm hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc.

Tuy nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ tại các thôn, bản, tổ dân phố chưa được phát huy và duy trì thường xuyên. Tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các thành viên cũng như tác động tiêu cực đến các giá trị truyền thống của gia đình…

Vì vậy trong xây dựng gia đình văn hóa hiện nay, bên cạnh việc khắc phục những hạn chế, thiết nghĩ cần hướng phong trào đi vào chiều sâu hay hướng đến những mục tiêu cao hơn. Đó là hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đặc biệt, cần xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Chú trọng nâng cao thể lực, tầm vóc, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Trong “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030” tiếp tục nhấn mạnh quan điểm gia đình là tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở phát huy giá trị truyền thống, phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại các địa phương cần được triển khai với những hoạt động hướng đến ý nghĩa thiết thực, nâng cao giá trị của gia đình, hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, hiện đại. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “gia đình hiếu học”, “gia đình làm kinh tế giỏi”, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận hạnh phúc”, “gia đình điển hình trong xây dựng nông thôn mới”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.... Khuyến khích thành lập các "Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc";“5 không, 3 sạch”... các chính sách ưu tiên việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn. Những kết quả đạt được của của phong trào xây dựng “gia đình văn hóa” góp phần xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội; khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tình làng nghĩa xóm”... góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h