Du lịch >> Du lịch

Phát triển du lịch xanh ở Yên Bái - Tiềm năng, thực trạng và giải pháp

23/09/2024 02:18:29 Xem cỡ chữ Google

Du lịch xanh đã và đang trở thanh xu hướng phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới. Với đặc thù khai thác chủ yếu dựa trên nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn sẵn có, du lịch Yên Bái muốn trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nhất thiết phải phát triển theo hướng xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đây cũng chính là “chìa khóa” để phát triển du lịch bền vững.

Tiềm năng phát triển du lịch xanh và kết quả đạt được

Yên Bái là nơi cửa ngõ của vùng Tây Bắc, với nhiều  cảnh quan du lịch nổi tiếng như: Hồ Thác Bà, vùng đất ngọc Lục Yên, vùng chè cổ thụ Suối Giàng, vùng văn hoá Mường Lò, di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải… sở hữu nhiều giá trị văn hóa, các di tích lịch sử, tự nhiên độc đáo, nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian đặc sắc, văn hóa ẩm thực của cộng đồng 30 dân tộc sinh sống, đây cũng chính là tiềm năng để Yên Bái khai thác phát triển kinh tế xanh, trong đó có du lịch xanh.

Những năm gần đây ngành du lịch Yên Bái đã phục hồi, bứt phá, làm tốt công tác kích cầu du lịch, tuyên truyền quảng bá du lịch, hướng tới mục tiêu chung xây dựng tỉnh Yên Bái "Xanh - Hài hòa - Bản sắc - Hạnh phúc". Tỉnh đã xây dựng, định hình được nhiều sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các sản phẩm du lịch cũng ngày càng phát triển đa dạng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại trong đó lấy hành động của khách du lịch làm trung tâm; phát động rộng rãi các hoạt động du lịch bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn vệ sinh tại các khu, điểm du lịch; hỗ trợ yếu tố "xanh" cho phát triển các sản phẩm du lịch tại các địa phương. Với nỗ lực đó, Yên Bái đang là điểm đến được du khách ưa thích. Tám tháng năm 2024, toàn ngành du lịch ước đón phục vụ 1.602.003 lượt (đạt 94,24% kế hoạch; tăng 24,7% so với cùng kỳ); khách quốc tế đạt 208.621 lượt (đạt 69,5% kế hoạch, gấp gần 4 lần cùng kì năm 2023); doanh thu ước đạt 1.317 tỷ đồng (đạt 87,8% kế hoạch, tăng 27% so với cùng kỳ).

Phát động phong trào “Du lịch xanh” tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên

Ở Yên Bái, trong thời gian qua, phân tích đánh giá về thực trạng phát triển du lịch xanh chưa được thực hiện một cách đầy đủ về khía cạnh quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng như góc độ nghiên cứu. Năm 2023, 2024 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á về dự án hỗ trợ phát triển du lịch xanh tỉnh Yên Bái. Trong đó tổ chức 03 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật phát triển du lịch xanh cấp tỉnh như: nâng cao nhận thức về du lịch bền về du lịch bền vững và quản lý điểm đến bền vững; tổ chức nghiên cứu thị trường du lịch tỉnh Yên Bái; thực hiện chuyển đổi số trong du lịch, thiết kế 35 chương trình du lịch theo chủ đề, đưa vào nền tảng thẻ card visit du lịch; tư vấn thiết kế ý tưởng sơ bộ các mô hình du lịch cộng đồng mẫu khảo sát thực địa các điểm: bản Cu Vai, bản Xà Rèn, bản Hốc và Sống lưng khủng long Mù Cang Chải. Thực hiện phát triển du lịch xanh cấp huyện tại Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Lục Yên, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ. Tiêu biểu thiết kế ý tưởng xây dựng mô hình nước khoáng nóng chất lượng thân thiện với môi trường nhằm phục vụ nhân rộng về sau cho cộng đồng; Thiết kế ý tưởng bảo tàng mini Văn hóa Mông gắn với trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Suối Giàng; Thiết kế tuyến đi bộ dã ngoại và đi xe đạp địa hình xung quanh đồi chè Nghĩa Lộ và các tuyến nối Nghĩa Lộ đến các điểm du lịch xung quanh như Suối Giàng, Nậm Đông; Xây dựng ý tưởng phát triển điểm du lịch “Về Mường” của người Thái Đen tại Nghĩa Lộ…Thực tiễn phát triển du lịch trong đó có du lịch xanh tại các địa phương, các mô hình phát triển du lịch xanh đã được hình thành và phát triển khá hiệu quả. Phân tích trực tiếp các mô hình này cho thấy, đây là các mô hình phát triển du lịch cộng đồng đều hướng tới sử dụng các tài nguyên địa phương, phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, các đặc sản địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa cộng đồng, tái chế rác thải theo hướng tuần hoàn…để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó việc thực hiện chính sách, đề án về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực; có bứt phá, phát triển đúng định hướng, có hiệu quả nhất là Nghị quyết 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 14/4/2024 của HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.

Những hạn chế, tồn tại

Phát triển dịch vụ du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên còn mang tính tự phát, chưa được quy hoạch một cách bài bản, chi tiết nên việc thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa kêu gọi được các tập đoàn lớn vào đầu tư, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, lao động trong ngành du lịch chuyên môn còn thấp, những chỉ tiêu đánh giá tác động lên kinh tế, tác động lên phân hệ sinh thái tự nhiên, tác động lên phân hệ xã hội và nhân văn chưa bền vững. Tại Yên Bái, các loại hình du lịch xanh gồm: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm cuộc sống người dân; du lịch văn hóa gắn với lễ hội tâm linh… Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hoá cộng đồng, sự phát triển du lịch xanh đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa, nơi có cảnh quan hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay phát triển loại hình, sản phẩm du lịch xanh còn thiếu tính hấp dẫn, độc đáo của tài nguyên du lịch lồng ghép với các dịch vụ, hoạt động “xanh”; Nhiều tài nguyên du lịch có được tất cả những đặc tính cần thiết để phát triển thành sản phẩm du lịch xanh đặc thù của Yên Bái đã không được khai thác một cách hợp lý. Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng cho đến nay du lịch Yên Bái còn thiếu những sản phẩm du lịch “xanh”.

Giải pháp cơ bản để phát triển du lịch xanh góp phần bảo vệ môi trường

Để tiếp tục phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, ngành Du lịch Yên Bái cần tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương, của ngành về công tác bảo vệ môi trường gắn với các hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Cần phải tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, chất lượng cao; khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch; xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch; tạo ra sản phẩm có tính độc đáo, hấp dẫn và đặc trưng, mang dấu ấn riêng. Tập trung phát triển các nhóm sản phẩm du lịch như: nhóm sản phẩm du lịch lịch sử văn hóa; nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng; nhóm sản phẩm du lịch sự kiện, kễ hội; nhóm sản phẩm du lịch sinh thái; nhóm sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm; nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; nhóm sản phẩm du lịch MICE, mua sắm…

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh du lịch. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành; chấn chỉnh, khắc phục hạn chế trong các hoạt động du lịch và hướng dẫn, hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện./.

Hương Giang - QLDL

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h