Tin Hoạt động >> Văn hóa

Yên Bái: Lễ hội “Gầu tào” - niềm tự hào của người Mông và cơ hội phát triển du lịch văn hóa

27/09/2024 04:43:16 Xem cỡ chữ Google
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông và được cộng đồng tộc người ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái gìn giữ từ xưa đến nay. Đây là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất của người Mông, là nơi thực hành và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người. Mới đây, nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình Lễ hội truyền thống.

Lễ hội “Gầu tào” năm 2024 tại huyện Trạm Tấu (Ảnh: Thanh Chi)

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 107.000 người Mông (chiếm 13,03% dân số toàn tỉnh), trong đó, tập trung đông nhất ở huyện Mù Cang Chải (chiếm hơn 91% dân số toàn huyện) và huyện Trạm Tấu (chiếm 77% dân số toàn huyện). Dân tộc Mông có nền văn hoá dân gian vô cùng phong phú, trong đó, "Gầu tào" là một lễ hội truyền thống điển hình, quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của tộc người, mang những giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu, thể hiện giá trị tinh thần tích cực của tộc người, đang được cộng đồng lưu giữ và tiếp tục phát huy.

Lễ hội được tổ chức nhằm hai mục đích là cầu phúc và cầu mệnh. Đây là dịp để tạ ơn thần linh đã ban phúc, ban lộc cho mọi nhà, cầu cho bản làng được mùa màng bội thu, người yên vật thịnh. Bên cạnh đó, theo tập quán, lễ hội “Gầu tào” còn là dịp để các gia đình không có con, ít con cầu phúc, hay có người ốm đau cầu mệnh hoặc làm ăn không tốt… khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi.

Trình diễn Khèn Mông (Ảnh: Thanh Chi)

Mặc dù lễ hội cũng có một khoảng thời gian bị mai một (từ năm 1958 đến năm 2004) do những lý do khách quan khác nhau. Đến năm 2005, lần đầu tiên, lễ hội được phục dựng lại và tổ chức ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu; xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải; xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn và mở rộng từ quy mô gia đình, dòng họ lên cấp xã, cấp huyện. Đến nay, lễ hội đã có sự biến đổi, nâng tầm thành lễ hội của cộng đồng cầu cho mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thời gian tổ chức cũng có sự điều chỉnh, từ việc không có thời gian cố định, lễ hội đã được tổ chức từ 1 đến 3 ngày và được tổ chức hàng năm để bà con trong vùng có điều kiện tham gia vui hội trong những ngày đầu năm mới.

Thầy cúng Giàng A Su ở khu phố 1, thị trấn Trạm Tấu là người đã làm chủ lễ cho lễ hội “Gầu tào” nhiều năm nay ở huyện Trạm Tấu cho biết: “Lễ hội “Gầu tào” (tiếng Mông là Tsang hâur tox) nghĩa là: chơi ngoài trời, chơi núi, chơi đồi ngày đầu xuân. Để bảo tồn và chuẩn hóa lễ hội như hôm nay đòi hỏi những người thực hiện phải am hiểu và dành nhiều tâm huyết đối với giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống của người dân địa phương”.

Còn ông Vàng A Giao, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn cũng là người am hiểu về văn hóa truyền thống của tộc người Mông nói chung, đặc biệt là loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, chữ viết, lễ hội truyền thống. Khi biết Lễ hội truyền thống của dân tộc mình được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Giao vô cùng vui mừng: “Lễ hội “Gầu tào” giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Mông. Các nghệ nhân, thầy cúng, những người am hiểu và toàn thể cộng đồng người Mông đều hiểu và thực hành được các quy trình diễn ra lễ hội, cộng đồng tự trao truyền và kế tục qua các đời. Nay Lễ hội được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần quan trọng khẳng định giá trị di sản, đồng thời để mỗi người dân chúng tôi thêm tự hào và ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản bền vững.

Lễ hội tổ chức vào những ngày đầu tháng giêng hằng năm, nhưng việc chuẩn bị được tiến hành từ cuối tháng Chạp. Để tổ chức lễ hội “Gầu tào” thành công thì phải có chủ lễ và những người giúp việc chuẩn bị các lễ vật. Những người được lựa chọn phải là những người có gia cảnh yên ấm, cuộc sống hạnh phúc, con cháu đầy đủ, kinh tế khá giả.

Trong lễ hội “Gầu tào”, cây nêu là một biểu tượng quan trọng nhất. Đây được xem như một biểu tượng “thông quan” giữa con người với thần linh, giữa con người với các thế lực siêu nhiên. Cây được dựng lên trên một khoảng đất thoáng rộng, trang trí với màu sắc sặc sỡ, tượng trưng cho sự tươi đẹp của đất trời, thiên nhiên, hoa trái… bà con gần xa đi chợ tết, vui chơi nhìn thấy cây nêu là biết sắp có lễ hội, chuẩn bị váy áo tham gia vui tết, đón xuân, dự hội.

Lễ hội “Gầu tào” được thực hành rất chu đáo từ khâu chuẩn bị đến quá trình diễn ra nghi lễ. Phần lễ trịnh trọng, trang nghiêm với các nghi thức cúng truyền thống cầu mong cho gia đình, cộng đồng năm mới bình an, mạnh khỏe, ấm no, đủ đầy. Tiếp đến là phần hội diễn ra rất sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như: đua ngựa, bắn nỏ, đánh quay, ném pao, đánh cầu lông gà, kéo co, đẩy gậy, thi trình diễn các điệu khèn, thi giã bánh dày, thi dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải... Người Mông coi việc thực hành các trò chơi, các hoạt động nghệ thuật trình diễn này không chỉ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng hiện tại mà đó còn là những hình thức thể hiện tài năng, biểu diễn nghệ thuật truyền thống để dâng lên các vị thần, để các vị thần chứng giám cuộc sống thực tế của cộng đồng, vui niềm vui chung của cộng đồng. Những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội đã thực sự trở thành một chất keo, giúp mỗi cá nhân hòa mình vào cộng đồng, hướng đến cội nguồn và nuôi dưỡng ý thức gắn kết cộng đồng, quê hương, quốc gia - dân tộc. Có thể khẳng định, Lễ hội “Gầu tào” của người Mông ở tỉnh Yên Bái là một thành tố văn hóa dân gian đặc trưng của tộc người, là sự sáng tạo, tích luỹ, trao truyền trong quá trình lịch sử tồn tại và phát triển của tộc người. Lễ hội này là sản phẩm độc đáo của cộng đồng, hội tụ nhiều giá trị văn hóa dân gian đặc trưng, được kiểm nghiệm và thẩm định qua chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian văn hóa. Bởi thế, nó thể hiện nhiều giá trị độc đáo, riêng biệt. Tất cả đều toát lên tính nhân văn sâu sắc, triết lý sâu sa, thể hiện nguyện vọng chân chính của cộng đồng tộc người luôn mong muốn vươn tới chân - thiện - mỹ.

Tỉnh Yên Bái đã xác định Lễ hội “Gầu tào” là một sản phẩm du lịch trong tương lai, bởi vậy, để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, đưa di sản trở thành một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu, biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương, Lễ hội “Gầu tào” đã được đưa vào nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển của tỉnh, giúp di sản được bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững nhất. Cùng với đó, tại các trường học trên địa bàn tỉnh đều phổ biến tài liệu Giáo dục địa phương, trong đó có giới thiệu về lễ hội “Gầu tào”, coi đó là di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng người Mông cư trú ở tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào nhiệm vụ trọng tâm, mà trong đó văn hóa Mông được coi là điểm nhấn, lễ hội “Gầu tào” là một trong những di sản đó.

Đến hôm nay, lễ hội “Gầu tào” vẫn là bản sắc, là tâm hồn, là niềm tự hào của người Mông tỉnh Yên Bái. Cùng với sức sống trường tồn; ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với việc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông tỉnh Yên Bái sẽ là động lực quan trọng để cộng đồng người Mông tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác gìn giữ và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương./.

Thanh Chi

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h