Tin Hoạt động >> Văn hóa

NGHỀ TRANG TRÍ HOA VĂN TRÊN TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI PHÙ LÁ HOA YÊN BÁI

26/08/2024 10:26:43 Xem cỡ chữ Google
Ở Yên Bái có 967 người Phù Lá (2019), tên gọi khác là (Xa Phó, Lapavaxơ, Lao pa, người Tày gọi người Phù Lá là: Xa Phó, Cần Thín), người Phù Lá Yên Bái thuộc nhóm Phù Lá hoa, nói ngôn ngữ Tạng-Miến, sống tập trung đông nhất ở hai thôn: Thôn Lẫu và Thôn Nhầy thuộc xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Cho đến nay, người Phù Lá (Xa Phó) vẫn giữ được nhiều yếu tố truyền thống của văn hóa tộc người mình khá độc đáo. Trong đó có nghề thêu trang trí hoa văn trên sản phẩm dệt là nét đặc trưng nổi bật đặc sắc. Người phụ nữ Phù Lá hoa cũng như người dân tộc Thái (Mường Lò- Văn Chấn, Nghĩa Lộ) biết trồng bông dệt vải tự cung tự cấp vải mặc. Hoa văn được sáng tạo và trang trí chủ yếu trên bộ y trang phục của người phụ nữ, ngoài ra còn ở một số đồ dùng đan lát mây tre nứa…các đồ án trang trí hoa văn khá cầu kỳ bắt mắt.

Phụ nữ tộc người Xa Phó hoa thêu y phục

Kỹ thuật sáng tạo hoa văn.

Đặc trưng nổi bật của kỹ thuật sáng tạo hoa văn là dùng phương pháp thêu luồn chỉ màu trên mặt vải (giống kiểu thêu luồn xéo khăn piêu của người Thái). So với kỹ thuật trang trí hoa văn của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến khác thì nghệ thuật trang trí hoa văn của tộc người Phù Lá hoa không hề giống kỹ thuật trang trí văn văn của các nhóm khác mà người Phù Lá hoa có phong cách trang trí riêng, đặc trưng riêng của sắc tộc người mình, phong cách khá xa lạ so với phong cách trang trí hoa văn của các dân tộc người cùng nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến (chủ yếu dùng kỹ thuật cắt ghép các mảnh vải màu). Ngược lại, người Phù Lá hoa cũng không biết đến kỹ thuật khâu ghép của người cùng nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến khác. Kỹ thuật thêu luồn chỉ như vậy sáng tạo ra mô típ hoa văn và bố cục đồ án hoa văn mang đặc trưng riêng của tộc người Phù Lá hoa ở hai thôn Lẫu và Thôn Nhầy, ở  xã Châu Quế Thượng  này.

Màu sắc hoa văn.

Về màu sắc hoa văn của người Phù Lá hoa theo truyền thống là dùng bảng màu hoa văn rực rỡ, đối chọi giữa các hoa sắc đỏ, trắng, đen xanh chàm và màu tím nhạt. Điều đáng chú ý ở bảng màu hoa văn của người Phù Lá hoa là rất khác biệt, đó là không có màu xanh lá cây và màu vàng. Cho đến nay vẫn chưa có ai giải thích được đầy đủ hiện tượng này. Song, với những đặc điểm về mấu sắc thường được người Phù Lá hoa sử dụng như trên đã giúp chúng ta nhận ra đặc trưng riêng biệt của nghệ thuật trang trí hoa văn của tộc người Phù Lá hoa. Tuy không có màu xanh trên các đồ án, nhưng lại xuất hiện màu xanh lá cây đậm nét ở dây thắt lưng, làm ngăn cách giữa áo và váy rất rõ ràng. Tất cả bảng màu đỏ được trang trí trên nền đen xanh chàm có láng nhựa củ nâu màu tim tím khá hợp với gam màu tổng thể của bộ trang y phục.

Các đồ án và mô típ hoa văn

Như trên đã đề cập, hoa văn của người Phù Lá hoa được trang trí phủ gần kín trên y phục, so với nhiều dân tộc có nghệ thuật trang trí hoa văn, trên trang phục thì người Phù Lá hoa là tộc người trang trí hoa văn ở tất cả các thành phần của y trang phục. Đó là những đồ án hoa văn trên chiếc khăn vấn đầu, trên thân váy áo đồ trang sức, đầu váy và thân váy. Tất cả những mảng trang trí đó đã tạo một sự hài hòa, cân đối giữa các bộ phận của bộ y trang phục của người Phù Lá hoa rất riêng và đặc trưng.

 Đồ án trên chiếc khăn vấn đầu được trang trí suốt theo chiều dài của chiếc khăn. Bố cục của đồ án hoa văn  trên khăn được chia thành hai phần rõ rệt: Phần chính là những mô típ hình xương cá xếp liền nhau bởi màu trắng và màu đỏ xen kẽ, phần hoa văn phụ là những đường chỉ khâu viền hai mép dãy hoa văn chính. Do đó, mảng hoa văn chính được tôn nổi bật rõ ràng trên tấm khăn.

Đồ án và mô típ hoa văn trên thân áo được chia thành hai phần, phần trên dưới rõ ràng. Phần trên được chia từ cổ áo đến ngực (đính hạt cườm dài trang trí), phần dưới là phần tiếp từ giữa ngực xuống chân áo (thêu luồn chỉ không dùng hạt cườm), áo ngắn ngang bụng (Áo nữ Phù Lá hoa ngắn giống kiểu áo Cỏm của phụ nữ Thái, nhưng không bó sát vào thân như kiểu áo cỏm Thái), đồ án và mô típ hoa văn ở hai phần này cũng được phân chia ra hai loại rõ rệt, gồm cả đằng trước và đằng sau thân chiếc áo.

Đồ án hoa văn phần trên chiếc áo thường được trang trí mô típ giải sọc khắc vạch kiểu thời kim khí hay đồ gốm thời cổ xen vào giữa các giải đó là những đường chỉ đỏ mà hai đầu trang trí mô típ hoa thị bằng kỹ thuật đính hạt cườm loại dài màu trắng để tạo hoa văn (sọc, hoa thị) trước và sau tạo nên sự khác biệt so với các dân tộc khác.

Phần chân váy được trang trí đồ án hoa văn hình ô quả trám do sự kết hợp những đường gấp khúc tạo thành, Điều đáng chú ý là những đường gấp khúc này lại là những hàng răng cưa liên tiếp đối xứng với nhau được xếp thành nhiều lớp mà ở trung tâm là mô típ chữ thập. Nhìn qua đồ án này có thể liên tưởng ngay tới đồ án hoa văn trang trí trên mặt trống đồng  Đông Sơn. Sự khác nhau ở đây chỉ là những mô típ hoa văn trên đồ án trên vải thổ cẩm đơn điệu ít hoa văn hơn mà thôi, trong khi mặt trông đồng được trang trí kết hợp nhiều mô típ hoa văn dày đặc hơn.

Nhìn tổng thể đồ án hoa văn trên chiếc áo người Phù Lá hoa có thể thấy có cả “Thần thái” phong cách trang trí hoa văn có những nét na ná giống trang trí trên trống đồng văn hóa Đông Sơn hiện lên khá rõ ràng. Đó là những giải sọc răng cưa được tạo bởi như kỹ thuật khắc vạch và những băng dây hình răng cưa sọc ngang rất phổ biến trên mặt và thân của những chiếc trống đồng, thạp đồng trong lịch sử đã từng phát hiện được.

Tay áo cũng được trang trí hoa văn (phần từ dưới nách xuống đến đầu tay áo). Đồ án hoa văn đơn giản hơn bởi sự trang trí một loại mô típ hoa văn kẻ ngang ôm lấy cánh tay. Đây là những đường chỉ trắng đục và màu đỏ hay tím xen kẽ với nhau. Tuy nhiên đồ án hoa văn tay áo đã bổ sung cho mảng hoa văn trên thân áo tạo ra sự hài hòa, cân đối trên chiếc áo của người phụ nữ Phù Lá hoa.

Nếu tấm áo của người người phụ nữ Phù Lá hoa được phủ kín những đồ án hoa văn thì hoa văn trên váy chỉ là những mảng hoa văn trang trí có tính chất điểm xuyết và đơn giản hơn áo. Các đồ án trên váy được chia làm ba phần: phần mảng hoa văn đầu cạp váy (thắt lưng), phần giữa thân váy (từ mông đến đầu gối) và phần chân váy. Đôi khi theo lứa tuổi (cao tuổi, đã có chồng, quả phụ…) mà trang trí ba mảng hoa văn đầu, thân và chân váy khác nhau, nhưng cũng có người trang trí cả ba mảng hoa văn đầu, thân và chân váy theo truyền thống, không phụ thuộc tuổi tác hoàn cảnh để trưng diện nét đẹp.

Đồ án đầu váy: Thường trang trí hai loại mô típ hoa văn hình xương cá (kiểu hoa văn khăn vấn đầu) và những giải sọc răng cưa như phần trên tấm áo. Với những đồ án hoa văn này đã bổ sung cho các đồ án trên thân áo, làm cho chiếc áo nổi bật khác biệt.

Đồ án ở giữa thân váy: Trang trí phổ biến hai mô típ hoa văn truyền thống là những giải sọc khắc vạch kết hợp hai dãy hình răng cưa làm riềm đệm cho mô típ hoa văn ngay sát cạnh giải sọc.

Đồ án chân váy: Ở đây xuất hiện một loại mô típ hoa văn khác mà các bộ phận trên chưa có hay rất hiếm thấy ở trên áo. Đó là hình Cây thông hay hình cây xếp thành hàng đều đặn theo vòng chân váy. Làm riềm nền cho loại mô típ này cũng là những mô típ giải sọc răng cưa (theo chiều ngang chân váy). Điều đáng chú ý ở đồ án này là bảng màu có thay đổi, xuất hiện màu xanh lá cây trên nền đen xanh chàm, làm riềm nhưng đôi khi cũng cắt ghép vải giữ nguyên màu trắng đục hòa cùng màu đỏ.

Nhận xét thay lời kết

Như phần đầu đã đề cập, nhìn chung phong cách trang trí hoa văn của người Phù Lá hoa hoàn toàn khác với phong cách trang trí hoa văn của các tộc người Phù Lá trong cùng nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến. Trong khi người Phù Lá (Xa Phó) khác sử dụng kỹ thuật thêu chắp ghép vải màu là chính thì người Phù Lá hoa lại chỉ dùng kỹ thuật thêu luồn chỉ (như một kiểu dệt). Hoa văn của tộc người Phù Lá (Xa Phó) khác đơn giản hơn, sử dụng phổ biến loại hình mô típ hình học, màu sắc chủ yếu là dùng miếng ghép hòa vào màu sắc đỏ, trắng trên nền đen xanh chàm.

Từ nhận diện phong cách trang trí hoa văn và kỹ thuật sáng tạo hoa văn giống kiểu phủ gần kín hoa văn trên trang y phục của Mông Hoa và người Dao Đỏ (Yên Bái), trong đó đáng chú ý: có mô típ hoa văn Cây thông thì giống mô típ trang trí hoa văn Cây thông của người Dao (Yên Bái). Về Những  tập tục sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Phù Lá hoa (Yên Bái) thì lại gần giống một số các dân tộc ít người ở các tỉnh lân cận như người: La Ha (Sơn La) và người: La Chí (Hà Giang) thuộc nhóm ngôn ngữ Kadai, nhóm ngôn ngữ Kadai này gần gũi và giống văn hóa của nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến nhiều hơn. Nhìn chung qua phong cách trang trí hoa văn của người Phù Lá hoa (Xa Phó) ở tỉnh Yên Bái cũng giúp phần nào cho chúng ta nhận ra những nét đặc trưng, độc đáo, riêng có của một tộc người Phù Lá hoa, nằm trong dòng văn hóa của các dân tộc Việt Nam./.    

Lý Kim Khoa - Bảo tàng tỉnh

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h