Tin Hoạt động >> Du lịch

YÊN BÁI PHÁT TRIỂN DU LỊCH THEO HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH

13/12/2023 05:42:45 Xem cỡ chữ Google

Suối Khoáng nóng Trạm Tấu là điểm đến lý tưởng dành cho những ai yêu thích bơi lội, khám phá thiên nhiên

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Có thể nói, phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo du lịch bền vững. Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng được ví như "du lịch xanh", chủ yếu dựa vào tự nhiên, văn hóa, ưu tiên bảo vệ môi trường. Ở tỉnh Yên Bái, loại hình du lịch này đang được quan tâm khai thác.

Sự phát triển du lịch xanh ở Yên Bái

Tỉnh Yên Bái có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng (DLCĐ). Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những điểm du lịch hấp dẫn như: hồ Thác Bà, vùng đất ngọc Lục Yên, vùng chè cổ thụ Suối Giàng, vùng văn hoá Mường Lò, Ruộng bậc thang Mù Cang Chải…, đồng thời là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều di sản có giá trị được lưu giữ, bảo tồn.Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế theo bình chọn của Hãng tin CNBC.

 Phát triển du lịch xanh thời gian qua đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố cùng với sự đồng lòng của người dân, du lịch Yên Bái đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Quan trọng hơn, Yên Bái nay đã có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam với những điểm du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng phát triển du lịch Yên Bái xác định phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc; Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định phát triển du lịch bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh. Theo đó quan điểm mục tiêu phát triển cũng chỉ ra phát triển du lịch bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế và tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng an ninh… Mục tiêu chung là phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng  Tây Bắc, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù “ Yên Bái – Nơi hội tụ sắc mầu Tây Bắc” với thương hiệu là ‘ điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, ấn tượng”

Tỉnh tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, khách sạn… tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch; xây dựng hình thành và phát triển rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm (vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận; vùng du lịch miền Tây (Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu và Mù Cang Chải) và vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên). Bên cạnh đó là hình thành và phát triển với các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là: Du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe; nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, lễ hội truyền thống; du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí; du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện,…)

Bằng việc làm và hướng đi cụ thể, các khu, điểm du lịch đã thu hút lượng khách khá ổn định như: Điểm du lịch Ruby hồ Thác Bà, Khu nghỉ dưỡng An Bình (huyện Yên Bình); Chuồn chuồn (Dragomfly) Nghĩa Lộ và một số khu nghỉ dưỡng như Mucangchai Ecolodge, xã Nậm Khắt, khu Le Champ Tú Lệ, huyện Văn Chấn, khu suối khoáng nóng Trạm Tấu; điểm sinh thái xã Suối Giàng…

Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến với Yên Bái ngày một nhiều, tốc độ phát triển ngành du lịch có sự chuyển biến, doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh và ổn định qua từng năm. Nếu năm 2022 ngành du lịch đón và phục vụ  được 1.589 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 28 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt 1.101 tỷ đồng, thì năm 2023 ước đón phục vụ khoảng 2 triệu lượt khách (vượt 33,3% so với kế hoạch; tăng 25,9% so với cùng kỳ); khách quốc tế đạt gần 120 nghìn lượt (đạt 80% KH, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ); doanh thu ước đạt 1.650 tỷ đồng (vượt 22,2% kế hoạch, tăng gần 50% so với cùng kỳ).     

Những con số nêu trên khẳng định du lịch Yên Bái đã và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển du lịch xanh vẫn còn một số hạn chế. Mặc dù có tiềm năng phát triển, song du lịch xanh ở Yên Bái mới ở giai đoạn khởi đầu. Đối với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, trong đó có Yên Bái, du lịch xanh còn là loại hình du lịch mới cả về khái niệm lẫn tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ cho mục đích du lịch. Do đó, nâng cao nhận thức, có chiến lược, có giải pháp đúng đắn để phát triển du lịch xanh là điều có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng.  Phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh là cơ hội và cũng là thách thức, là mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ, Văn Chấn

                                                                                                                   

Định hướng và giải pháp phát triển du lịch xanh

Nghị quyết số 08 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đặt ra những yêu cầu liên quan đến phát triển du lịch bền vững. Đó là, “Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế... Phát triển du lịch cần đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng với sự an toàn và bền vững của hệ môi trường sinh thái, cân bằng, ổn định về xã hội và con người để tránh gây ra những tổn hại, ảnh hưởng tới các di sản văn hóa..”. Việt Nam vốn là đất nước với hệ sinh thái đa dạng, phong phú các di sản thiên nhiên nổi tiếng thế giới cần được gìn giữ, bảo tồn. Do đó những yêu cầu về môi trường du lịch càng quan trọng và cấp thiết.

Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: “Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thể là thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Trong đó nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch.

Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND để triển khai thực hiện, đã đặt ra mục tiêu "Phát triển đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”. Xây dựng Yên Bái trở thành điểm đến du lịch “an toàn, xanh, sạch đẹp, thân thiện, hấp dẫn”.

Từ chiến lược, chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước ta và của tỉnh Yên Bái, có thể thấy rằng việc phát triển du lịch xanh được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của Du lịch Yên Bái nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập của Du lịch Yên Bái với các tỉnh khu vực Tây Bắc và các tỉnh bạn và phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh là hướng phát triển du lịch bên vững của tương lai.

Để du lịch Yên Bái phát triển theo hướng tăng trưởng xanh theo đúng chiến lược của Việt Nam và của tỉnh Yên Bái, ngành cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là: Xây dựng, định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù   “Yên Bái – Nơi hội tụ sắc mầu Tây Bắc”, với các sản phẩm chủ đạo du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc…

Hai là: Nâng cao nhận thức và đào tạo về du lịch xanh, trước hết là đối với các nhà quản lý các cấp từ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp của ngành Du lịch và các ngành có liên quan đến du lịch về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch xanh. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức, giáo dục, đào tạo cho cộng đồng về phát triển du lịch xanh.

Ba là: Cần có chính sách khuyến khích tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trong các dịch vụ du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương như ứng dụng năng lượng gió, mặt trời, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu tự nhiên, chế biến rác thải, xử lý nước thải, trong tiêu dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Khuyến khích các chương trình bảo tồn và truyền bá văn hóa dân gian, dân tộc trong phát triển du lịch. Cần kết hợp chặt chẽ giữa quá trình xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch xanh.

Bốn là: Làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá nền văn hóa ra thế giới. Tiếp cận nhanh những kiến thức xanh và công nghệ sạch của cộng đồng khoa học Việt Nam có nền du lịch xanh phát triển, từ đó vận dụng vào phát triển du lịch xanh Yên Bái.

Năm là: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa và đầu tư xứng đáng cho quảng bá, xúc tiến mạnh hơn về du lịch xanh trong phạm vi toàn xã hội, cho khách du lịch bằng nhiều hình thức khác nhau, phương tiện khác nhau nhằm xây dựng một hình ảnh du lịch xanhYên Bái, một điểm đến an toàn, xanh, sạch đẹp, thân thiện, hấp dẫnthu hút khách du lịch đến với Yên Bái.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của các thành phần kinh tế với chiến lược phát triển du lịch xanh, Yên Bái sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng, tài nguyên văn hóa, tài nguyên du lịch phong phú của tỉnh, tạo nên tính chuyên biệt, dịch vụ chất lượng cao, tôn vinh giá trị độc bản của Yên Bái gắn với hình ảnh điểm đến: Yên Bái "Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc"./.

 

Triệu Việt Phương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h