Tin Hoạt động >> Văn hóa

Hoàn thiện tư duy, lý luận mới, đột phá về văn hóa

03/11/2023 10:20:54 Xem cỡ chữ Google
Chiều 2/11, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Đoàn Cán bộ khảo sát thực tế nhóm 3 – Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc 40 năm đổi mới đất nước trong lĩnh vực văn hóa-xã hội và con người có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL.

Đoàn Cán bộ khảo sát thực tế nhóm 3 – Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc 40 năm đổi mới đất nước trong lĩnh vực văn hóa-xã hội và con người có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL.

Dự buổi làm việc có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng Đoàn khảo sát; PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - Phó trưởng Đoàn cùng các thành viên Đoàn khảo sát.

Về phía Bộ VHTTDL có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Các uỷ viên Ban Cán sự: Bí thư Đảng uỷ Bộ, Thứ trưởng Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ; Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Đức Trung cùng thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người – tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo sự phân công của Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua, Bộ VHTTDL đã tham gia xây dựng báo cáo tổng kết nội dung về các vấn đề về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người (nội dung 4).

Báo cáo gồm 4 phần chính: Sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng về xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam; Đánh giá thực trạng nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam; Dự báo bối cảnh mới, phương hướng, quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Định hướng giải pháp, đề xuất, kiến nghị và khâu đột phá nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo các vấn đề về phát triển văn hoá, xã hội và xây dựng con người.

Khái quát một số nội dung trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối với phần thứ nhất "Sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng về xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam", trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, hệ thống các văn kiện của Đảng, ý kiến góp ý, đánh giá của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các chuyên gia đến từ các Bộ, ban, ngành, cơ quan soạn thảo bước đầu khái quát quá trình phát triển về nhận thức lý luận của Đảng theo 3 giai đoạn chính.

Thời kỳ đầu đổi mới (1986 - 1995): Đây là giai đoạn xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cụ thể, Nghị quyết đại hội VI đã đề ra nhiệm vụ: "Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật; xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc".

Thời kỳ đẩy mạnh đổi mới - đổi mới toàn diện (1996 – 2014): Đây là giai đoạn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hưởng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII đã xác định "văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội".

Thời kỳ đổi mới tư duy gắn với đột phá chiến lược về văn hóa (2014 đến nay): Là giai đoạn văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong đó, Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhấn mạnh "Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hưởng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, xuyên suốt thời kỳ này, Đảng ta đã phát triển một quan điểm toàn diện hơn về văn hóa, khẳng định rằng, muốn phát triển bền vững đất nước, không chỉ văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người – tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.

Đối với nội dung: "Tập trung nhận diện thực trạng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt nam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc hoàn thiện, bổ sung hệ thống lý luận về phát triển văn hóa và xây dựng con người là một thành tựu quan trọng trong quá trình lãnh đạo đất nước của Đảng trong công cuộc đổi mới gần 40 năm qua.

Quan trọng hơn nữa, sự đổi mới trong tư duy nhận thức đã tạo động lực cho sự đổi mới trong tư duy hành động trong phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đến nay.

Trong báo cáo này, bước đầu Ban soạn thảo chỉ ra 6 lĩnh vực/hoạt động đóng vai trò trọng tâm trong quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam trong gần 40 năm qua.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ngoài những kết quả khả quan và tích cực nêu trên, quá trình phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong gần 40 năm qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, Báo cáo đã phân tích và chỉ ra một số hạn chế như công tác thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng chưa theo kịp yêu cầu, chưa đồng bộ và hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp; Thiếu giải pháp đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống; Môi trường văn hóa có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp.

Cùng với đó, việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đứng trước nhiều nguy cơ; Hệ thống thiết chế văn hóa chưa đầu tư, khai thác đồng bộ để phát huy hiệu quả thiết thực; Thiếu chiến lược dài hạn cho việc phát triển nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; Xây dựng và phát triển con người toàn diện chưa thực sự thấm sâu và tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp xã hội; Cơ chế phối hợp liên ngành chưa hiệu quả, các ngành công nghiệp văn hóa chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các hạn chế này cho thấy vẫn còn khoảng cách và độ trễ giữa nhận thức, tư duy và thực tiễn trong phát triển văn hóa và xây dựng con người ở nước ta. Để tổng kết toàn diện về quá trình phát triển văn hóa và con người trong thời gian qua, đặc biệt để có cơ sở cho những điều chỉnh cần thiết cho giai đoạn phát triển tiếp theo, trong Báo cáo đầy đủ cũng đã phân tích và chỉ ra những nguyên nhân của thành tựu và hạn chế nêu trên, đồng thời chỉ ra những vấn đề đang đặt ra cho ngành văn hóa hiện nay.

Đưa văn hóa và con người Việt Nam trở thành nhân tố nội sinh cơ bản cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước

Đối với nội dung: "Dự báo bối cảnh mới, phương hướng, quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, báo cáo đã dự báo sát nhất bối cảnh và các nhân tố chính trị, kinh tế, nhận diện những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức đối với lĩnh vực văn hóa đến năm 2030.

Từ dự báo để xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, quan điểm chỉ đạo đó là tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới trong giai đoạn tiếp theo. Phát triển văn hóa và con người Việt Nam góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển tổng thể đất nước được đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030): Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Định hướng xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Coi trọng phát triển văn hóa và con người Việt Nam, trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế và tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển các lĩnh vực này, để đưa văn hóa và con người Việt Nam trở thành nhân tố nội sinh cơ bản cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Đối với nội dung: "Định hướng giải pháp, đề xuất, kiến nghị và khâu đột phá nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa và con người Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, về nguyên tắc, Bộ VHTTDL xác định, các giải pháp phải được xây dựng dựa trên tiếp cận toàn diện, đảm bảo tính khả thi, bám sát yêu cầu của thực tiễn.

Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu các đề xuất, kiến nghị của Bộ VHTTDL. Một là, quán triệt quan điểm coi văn hóa là một trong 4 trụ cột phát triển bền vững đất nước, có vị trí ngang hàng với chính trị và kinh tế, xã hội.

Hai là, tập trung bố trí các nguồn lực để thực hiện đạt mục tiêu các chiến lược. Phê duyệt và đưa vào triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045...

Ba là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa để tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.

Bốn là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

Năm là, tiếp tục chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; có chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. 

Sáu là, nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng...

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đề xuất các khâu đột phá, tập trung vào ba vấn đề gồm: Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; Phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa trong đó chú ý nâng cao chất lượng nguồn lực con người nhằm đáp ứng các yêu cầu của bối cảnh mới và Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hoá.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đã có những chia sẻ, góp ý vào nội dung báo cáo của Bộ VHTTDL về các vấn đề về phát triển văn hoá, xã hội và xây dưng con người. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã báo cáo, giải thích thêm một số nội dung cũng như tiếp thu các thông tin phản hồi trong báo cáo.

Hoàn thiện tư duy, lý luận mới, đột phá về văn hoá

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lĩnh vực văn hoá, xã hội, con người có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhau trong đời sống xã hội. Vì vậy, chúng ta cần tổng kết thực tiễn, sử dụng phương pháp luận khoa học, kết quả nghiên cứu đã có để định hình, hoàn thiện tư duy, lý luận mới, đột phá về văn hoá.

Qua từng dấu mốc, giai đoạn lịch sử của đất nước và thế giới, hệ thống tư duy, lý luận, quan điểm của Đảng về văn hoá đã có sự phát triển, đổi mới, mang đặc trưng riêng trong mối quan hệ hết sức chặt chẽ đối với mô hình kinh tế.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận buổi làm việc.

Theo Phó thủ tướng, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà gắn với mỗi công trình kiến trúc, di sản vật thể, phi vật thể phản ánh đời sống kinh tế, hình thái xã hội của một thời kỳ, không gian lịch sử cụ thể.

Phó Thủ tướng  cho rằng cần xác định rõ những giá trị văn hoá mang tính trường tồn, hội tụ đầy đủ bản sắc dân tộc, cũng như những giá trị văn hoá cần thiết cho tương lai, trong một thế giới đang thay đổi mô hình phát triển sang kinh tế tri thức, không dựa vào tài nguyên thiên nhiên. “Quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số không thể thiếu yếu tố văn hoá”.

Phân tích sâu quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu phải xây dựng quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức để bảo vệ giá trị con người, xã hội trước những thách thức trên môi trường số./.

BBT (theo: https://sovhttdl.yenbai.gov.vn/)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h