Tin Hoạt động >> Tin tức tổng hợp

Đẩy mạnh hoạt động du lịch trên nền tảng phát huy di sản văn hóa truyền thống tại tỉnh Yên Bái

28/09/2021 07:55:09 Xem cỡ chữ Google
Yên Bái là tỉnh có nhiều tộc người cùng sinh sống, bức tranh văn hóa tộc người nhiều màu sắc. Cũng chính điều này đã tạo nên những giá trị di sản văn hóa rất đa dạng trên địa bàn tỉnh. Mỗi tộc người, mỗi bản làng, mỗi vùng văn hóa đều mang những sắc thái riêng, độc đáo mà nhiều nhà nghiên cứu, nhiều du khách trong nước và quốc tế đã lưu tâm và tìm đến.

Lễ hội đền Đông Cuông thu hút đông đảo du khách thập phương (Ảnh: Hà Trọng Lĩnh)

Các nhà nghiên cứu thường chia Yên Bái làm 3 vùng văn hóa điển hình, đó là: vùng văn hóa Sông Hồng với đặc trưng văn hóa tộc người Kinh, Dao, Phù Lá (Xá Phó) trên địa bàn thành phố Yên Bái, các huyện Trấn Yên, Văn Yên; vùng văn hóa Sông Chảy với đặc trưng văn hóa Tày, Nùng, Cao Lan (Sán Chay), Dao trên địa bàn hai huyện Yên Bình và Lục Yên; vùng văn hóa Miền Tây với đặc trưng văn hóa Thái, Mông, Dao, Mường, Tày, Khơ Mú, Giáy trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Đây là những tộc người điển hình cư trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn còn giữ được những nét văn hóa tiêu biểu của tộc người.

Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái rất chú trọng đến việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh bằng nhiều việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực như: tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) với số liệu kiểm kê bước đầu là hơn 760 di sản văn hóa vật thể và 574 di sản văn hóa phi vật thể của 12 tộc người tiêu biểu; lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích các cấp (01 di tích quốc gia đặc biệt; 12 di tích quốc gia; 105 di tích cấp tỉnh); xây dựng quy hoạch tổng thể di tích; tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích; sưu tầm nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị lịch sử cao, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 24.000 hiện vật các loại)…

Trên cơ sở những vùng văn hóa đã nghiên cứu và những di sản văn hóa đã được khơi dậy, bảo tồn, gìn giữ, những năm qua, hoạt động du lịch tỉnh Yên Bái đã có nhiều hình thức để khai thác, phát huy tốt vốn di sản này, mang lại những hiệu quả thiết thực. Dựa trên những lợi thế của địa phương, du lịch tỉnh Yên Bái đã được khai thác ở nhiều loại hình khác nhau như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch khám phá mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh,... Dù là hình thức du lịch nào thì việc đẩy mạnh, phát huy vẫn luôn dựa trên nền tảng những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh đã được xác định là một trong những hướng đi quan trọng, được tỉnh ưu tiên thực hiện, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, đồng thời đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương. Nhiều hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện hướng đi đúng đắn của du lịch Yên Bái:

Việc tổ chức các lễ hội thường niên như: lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò; lễ hội khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, lễ hội đền Đông Cuông, lễ hội đền Mẫu Thác Bà, lễ hội quế Văn Yên, lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, chương trình du lịch về miền đất ngọc Lục Yên, … đều được triển khai trên nền tảng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người và di tích, danh thắng điển hình tại khu vực đó để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Tại các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc như: trang phục, ẩm thực, y dược học, các sản phẩm thủ công truyền thống , … được truyền tải mạnh mẽ, tạo ra sức lan tỏa nhanh, rộng và hiệu quả nhất đến nhiều vùng miền khác nhau, đã thu hút sự quan tâm, tìm hiểu và nhu cầu trải nghiệm của đông đảo du khách.

Các điểm du lịch cộng đồng được phát triển trên cơ sở khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người và các di tích, danh thắng tiêu biểu tại địa phương như: Du lịch cộng đồng ở thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh) huyện Yên Bình gắn với văn hóa truyền thống của người Dao Quần Trắng, Cao Lan và danh thắng quốc gia hồ Thác Bà; du lịch cộng đồng ở bản Đêu (xã Nghĩa An), bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi) của thị xã Nghĩa Lộ; xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; bản Khim Nọi (thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải) gắn với văn hóa truyền thống của người Thái (đặc biệt là nhóm Thái Đen); du lịch cộng đồng ở La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải) gắn với văn hóa truyền thống của người Mông và khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải;

Du lịch tâm linh tại các di tích được đẩy mạnh, đặc biệt là vào các dịp xuân thu nhị kỳ trên cơ sở phát huy giá trị của những di tích, lễ hội diễn ra tại các đình, đền, chùa, thu hút rất đông khách thập phương đến chiêm bái, tìm hiểu, du xuân, tiêu biểu như: đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn, đền Mẫu Thác Bà, đền Đại Cại, đền Tuần Quán, chùa Ngọc Am, chùa và đền Bách Lẫm, chùa Minh Pháp và đền Rối, khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hi sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, năm 1930, ...

Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đi vào hoạt động đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch của tỉnh, là nơi giới thiệu xuyên suốt tiến trình lịch sử - văn hóa vùng đất và con người Yên Bái đã thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Du lịch tỉnh Yên Bái đang trên đà khởi sắc với những thế mạnh riêng có của tỉnh, là “nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”. Sắc màu ấy, thế mạnh ấy được đẩy mạnh trên cơ sở phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Du lịch đã góp phần đắc lực vào việc biến di sản thành tài sản, để di sản trở thành sản phẩm không thể thiếu trên con đường phát triển của du lịch tỉnh nhà./.

Nguyên Lê

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h