Tin Hoạt động >> Văn hóa

Thi đua làm theo lời Bác - Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn tỉnh Yên Bái

01/10/2018 10:08:41 Xem cỡ chữ Google
Trong mọi giai đoạn lịch sử, văn hóa luôn là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Hồ Chí Minh - Lãnh tụ của giai cấp vô sản và nhân dân lao động Việt Nam - Với luận điểm “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” đã thể hiện sâu sắc tư duy duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lênin, ghi nhận tác dụng to lớn, không thể thay thế được của văn hóa nghệ thuật góp phần định hướng phát triển và tiến bộ xã hội.

Ngày 25/9/1958, Bác Hồ gặp mặt nói chuyện, căn dặn nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tại Sân vận động thị xã (nay là Sân vận động thành phố Yên Bái)

Các đây 60 năm Bác thăm Yên Bái, Người đã căn dặn ““Đồng bào ta có nhiều điểm tốt nhưng cũng có khuyết điểm cần phải sửa dần dần, hỏi có tiết kiệm không? cũng có tiết kiệm nhưng có đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình, hai bữa say sưa bằng thích, nhưng sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, bán ruộng, đi vay nợ, như thế là không tốt. Mà đã là không tốt là xấu, đã xấu thì phải sửa, đám cưới như thế, đám ma cũng thế. Thường thì chôn cất cũng đủ. Nhưng cũng cứ phải chén, thế rồi cũng phải bán thóc, bán trâu, bán ruộng…”

Thực hiện lời dạy của Bác, phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới đã được triển khai rộng khắp. Từ thực tế đời sống văn hoá của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trước đây còn tồn tại rất nhiều phong tục tập quán, lạc hậu, mê tín, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là ở các huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên… Thách cưới ở đồng bào Mông, Dao và một số dân tộc khác trước đây rất nặng nề, khi lấy vợ phải có 50-100 đồng bạc trắng, thuốc phiện, trâu, bò mới lấy được vợ; tệ nạn tảo hôn, hôn nhân, cận huyết thống (quan niệm không muốn mất họ); kéo, cướp vợ… diễn ra thường xuyên.  Tục để người chết trong nhà từ 5 đến 7 ngày; mổ nhiều trâu, bò, lợn, gà… tổ chức ăn uống linh đình, chia phần cho người đến dự đám tang; tục bón cơn cho người chết; mổ trâu bò ăn uống trước khi đưa người chết đi chôn...

Suốt chặng đường dài 60 năm qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch luôn phối hợp các ngành, các địa phương đi sâu, bám sát cơ sở để tuyên truyền, chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân xóa bỏ các tập quán lạc hậu, mê tín, xây dựng đời sống văn hóa mới như: Tuyên truyền vận động nhân dân vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, chuyển chuồng trại gia súc, gia cầm ra xa nhà, không nhốt trâu, bò dưới gầm sàn (đối với đồng bào dân tộc Thái, Tày), tiết kiệm, không tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang, đám cưới…

Thực hiện lời dạy của Bác, tỉnh Yên Bái phát động cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hoá mới” nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn thi đua làm theo lời Bác, đặc biệt từ năm 2.000 phát động triển khai cuộc vận động thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH”, phong trào được các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm và trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ của quần chúng nhân dân. Phong trào được triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế, khơi dậy và phát huy, bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, nhiều giá trị văn hóa mới được xác lập trong đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội ở các địa phương.

Lễ tế ở Đền Rối thành phố phố Yên Bái

Nếu như năm 2000, khi phát động toàn tỉnh mới có 60,2% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa thì đến năm 2017 toàn tỉnh đã có 74,6% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (tăng 14,4% so với năm 2000). Năm 2000 toàn tỉnh có 31,3% làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, đến năm 2017 toàn tỉnh có 54,1% làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (tăng 22,8% so với năm 2000). Năm 2000 mới có 69,2% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đến năm 2017 tổng số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 79,3% (tăng 10,1% so với năm 2000). Phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa mới được triển khai từ năm 2002, đến nay đã có 43/180 xã, phường, thị trấn ra mắt xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 36 xã được các huyện công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 03 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; hiện nay toàn tỉnh xây dựng được 93/180 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, đạt 51,6%.

Thực hiện Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị và Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành Quy định "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái". Các Quy định trên đã nhanh chóng được triển khai sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các nội dung của Quy định đã được Ban Chỉ đạo Phong trào "TDĐKXDĐSVH" các cấp triển khai thực hiện đưa nội dung tiêu chí làm chỉ tiêu xét, công nhận làng, bản, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hoá; xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Do đó ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong nhân dân đã có chuyển biến rõ rệt, các tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội giảm đi nhiều, những điển hình tiên tiến được nhân rộng và biểu dương kịp thời, ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội.

Hoạt động thể thao tại lễ hội được tổ chức vui tươi, lành mạnh

Cơ bản các đám cưới trên địa bàn tỉnh được tổ chức đảm bảo tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh, việc tổ chức cỗ bàn linh đình đã giảm, phần lớn việc cưới đều tổ chức trong một ngày… Đặc biệt như 2 huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải không còn thách cưới bằng bạc trắng, thuốc phiện; mổ trâu bò, ăn uống linh đình, tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm nhiều. Các tập tục lạc hậu, tổ chức ăn uống linh đình, phúng viếng, rắc vàng mã khi đ­ưa tang đã giảm nhiều so với trước kia. Một số địa phương (huyện Trạm Tấu, mù Cang Chải, huyện Văn Chấn) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện việc tang ở vùng đồng bào dân tộc Mông như: Không để người chết quá 3 ngày; không “phơi nắng, bón cơm”, mổ trâu bò ăn uống linh đình; người chết đã khâm niệm phải đưa vào quan tài… Các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tổ chức theo quy định của pháp luật. Các lễ hội đều thành lập được Ban tổ chức, Ban quản lý không để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan, mất vệ sinh môi trường; công tác an ninh được đảm bảo; các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức trong các lễ hội vui tươi, lành mạnh; không gian lễ hội, trang trí nội dung khánh tiết đảm bảo phù hợp với các hoạt động văn hoá, thể thao tại lễ hội (nội dung được các cấp chính quyền phê duyệt cấp phép). Công tác kiểm tra lễ hội được thực hiện thường xuyên, tổ chức lễ hội được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nư­ớc. Đặc biệt tại huyện Văn Yên đã vận động nhân dân không treo trâu trong tổ chức lễ hội truyền thống như mọi năm, mà dùng hình thức giết mổ phù hợp không ảnh hưởng đến nghi thức của cúng tế trong lễ hội…

Đám cưới truyền thống của người Dao Đỏ xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: Phong trào xây dựng làng, thôn, bản văn hóa chưa đồng đều giữa các địa phương và tính bền vững chưa cao; việc đăng ký các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương còn hình thức; việc mời ép rượu, uống rượu say trong các đám cưới; một số gia đình ở một số thôn, bản vẫn còn tổ chức ăn uống, rượu chè linh đình trong đám tang…; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng song chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao; nhiều thiết chế văn hóa chưa được đầu tư xây dựng, các công trình phục vụ cho hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân...

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Tạo sự chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh tại địa phương. Trong thời gian tới, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái sẽ tiếp tục tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 33/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI, về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; chỉ đạo phát triển phong trào “TDĐKXDĐSVH” rộng khắp, hiệu quả, chất lượng trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền những mô hình điển hình trong việc xây dựng gia đình văn hoá ở các địa phương; phát huy vai trò của các làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hoá là nơi sinh hoạt, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh nơi công sở; tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá…; chỉ đạo cơ sở tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu mê tin, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng chính là thực hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh về nêu cao giá trị văn hóa đối với sự phát triển của xã hội. Phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã thực sự đi vào lòng dân, đến với mọi nhà, mọi khu dân cư, các cơ quan đơn vị và đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, là động lực tinh thần động viên mọi lực lượng trong toàn xã hội. Vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống văn hóa mới là điều kiện cần thiết, cấp bách trong thời đại hiện nay trước các nguy cơ biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống. Sự thực đó đòi hỏi chúng ta càng phải nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống văn hóa mới, đáp ứng được yêu cầu chung của công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.  

Đ/c Lê Thị Thanh Bình - UV BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở VHTTDL

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h