Văn hóa >> Văn hóa

Lễ hội Đền Đông Cuông được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

02/02/2023 08:04:44 Xem cỡ chữ Google
Dự buổi lễ, về đoàn công tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, các đồng chí lãnh đạo Cục Di sản Văn hoá và các vụ, viện có liên quan. Về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Yên Bái; đồng chí Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo huyện Văn Yên; lãnh đạo các huyện, thị, thành phố cùng đông đảo du khách thập phương và nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao chứng nhận Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi lễ

 Đền Đông Cuông từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng; một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Đền là nơi thờ chính Mẫu Thượng ngàn - Mẫu đệ nhị trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thờ Thần Vệ Quốc và các vị anh hùng dân tộc hi sinh trong các cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm.

NhãnĐồng chí Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tại buổi lễ

Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: Ngoài Đền Chính còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông (Miếu Đức Ông tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi Đền Chính về hướng Nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích Đền Đông Cuông). Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.

Theo Bách thần lục, thần tích của Thánh Mẫu Thượng Ngàn trùng với thần tích chầu Đệ Nhị Đông Cuông. Mẫu Thượng Ngàn với mỗi tên gọi thường đi kèm một sự tích khác nhau. Mẫu Thượng Ngàn có rất nhiều tên gọi như: Diệu Tín Thiền sư, Lê Mại Đại Vương, Đông Cuông Công chúa, Lâm Cung Thánh mẫu, Mẫu Đệ nhị Nhạc Phủ, Sơn Tinh công chúa...  Mẫu Thượng Ngàn được thờ chủ yếu tại vùng rừng núi, ở đâu có rừng núi thì ở đó có đền thờ Mẫu Thượng Ngàn. Trong các ngôi đền thờ chính của Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Ngàn ở Bắc Lệ (Lạng Sơn) là công chúa Quế Hoa, ở Suối Mỡ (Bắc Giang) là Công Chúa La Bình thì ở Đền Đông Cuông (Yên Bái) Mẫu Thượng ngàn là Lâm Cung Thánh Mẫu vừa là bậc anh linh, quyền cao tối thượng vừa gần gũi, bình dị trong hình hài một người vợ, người mẹ trần thế có lai lịch, gốc tích rõ ràng. Trong niềm tin tâm linh của những con nhanh đệ tử đạo Mẫu thì đền Đông Cuông có vị trí vô cùng quan trọng, là nơi ngự chính và nơi giáng sinh của Mẫu Thượng ngàn, nếu đặt trong tương quan so sánh với đền Bắc Lệ và Suối Mỡ thì đền Đông Cuông rõ ràng có vị trí quan trọng nhất, là nơi thờ chính Mẫu Thượng ngàn.

Màn văn nghệ đặc sắc tại Lễ công bố quyết định  ghi danh “Lễ hội Đền Đông Cuông” vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Theo Đại Nam nhất thống chí, đền Đông Cuông còn thờ Cao Quan Đại Vương, huý là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quí để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong là "Thần vệ quốc" và đã hoá thân thành Mẫu Thượng Ngàn, là người mẹ của vũ trụ. Trong Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn) thì Đền Đông Cuông trước đây là ngôi miếu thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh. Bà là vợ đại vương núi Sơn Vi nay thuộc Lâm Thao - Phú Thọ. Thần tích của họ Hà giải thích: Đông Quang Công chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ của ông Hà Văn Thiên, hậu duệ của Hà Đặc Hà Bổng (trại chủ Quy Hóa), là người Tày Đông Cuông được triều đình giao cho cai quản Đông Cuông. Ông bà sinh hạ được 1 đứa con trai. Khi ông tạ thế, hi sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên, bà Kiểm cùng con trai ở lại Đông Cuông rồi mất tại đây. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bên tả ngạn, đối diện với miếu. Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân.

Lễ hội đền Đông Cuông là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời, kết hợp nhiều tín ngưỡng dân gian

Lễ hội đền Đông Cuông là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời, kết hợp nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa từ tục thờ Thuỷ thần tới thờ Mẫu Thượng Ngàn – Đông Cuông công chúa, tới tín ngưỡng thờ các anh hùng văn hoá (như thần Vệ Quốc – Ngũ Vị Tôn Ông) và các vị anh hùng dân tộc (Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương...) cùng nhiều lớp tín ngưỡng dân gian khác và đã bắt rễ trong tâm thức của đồng bào nơi đây, qua đó ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính, một sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh độc đáo được tổ chức thường niên "xuân thu nhị kỳ" - điểm nhấn trong hành trình văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng của huyện Văn Yên và của tỉnh Yên Bái. 

Với giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học tiêu biểu, ngày 16/1/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định ghi danh di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Điều đặc biệt trong Lễ hội đền Đông Cuông năm nay là sau lễ rước Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ khu vực sân khấu vào trong Đền chính có sự kết hợp giữa màn diễu rước và màn múa xòe then Tày cổ hầu Mẫu, với sự tham gia của 300 phụ nữ dân tộc Tày Khao.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Yên Bái cần xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội đền Đông Cuông để có các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình cụ thể cho các hoạt động bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị tốt đẹp của Lễ hội trong đời sống văn hóa của cộng đồng gắn với phát triển kinh tế xã hội và du lịch…

Thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh cam kết sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Lễ hội đền Đông Cuông và di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh theo phương châm “Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động, biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Yên Bái “xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”.

Một số hình ảnh trong Lễ rước Mẫu:

 

 

Như Huyên - QLVH

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h