Tin Hoạt động >> Tin tức tổng hợp

Triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2024

29/02/2024 09:12:31 Xem cỡ chữ Google
Tiếp tục thực hiện và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái theo Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình hành động số 188-CTr/TU ngày 25/11/2023 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 163-KH/TU ngày 16/02/2024.

Lễ hội Gàu Tào - Trạm Tấu thu hút đông đảo người dân tham gia thụ hưởng (Ảnh: Như Huyên)

Mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 là tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng "xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc"; khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ,công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2024 đạt 68%; tăng 2,38% so với năm 2023. Trong đó: Chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 58,21%; tăng 1,17% so với năm 2023. Chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 79,15%; tăng 0,05% so với năm 2023. Chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống là 67,73%; giảm 1,03% so với năm 2023.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và người dân trong triển khai các nhiệm vụ nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Huy động sự tham gia vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và người dân nhằm tạo nhận thức chung về việc xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành “Tỉnh hạnh phúc” theo hướng mở, đảm bảo nguyên tắc “Tích cực - Tự nguyện - Hiệu quả”. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị nhân văncủa việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân; động viên, khích lệ người dân tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh bằng các việc làm cụ thể, thiết thực, như: tích cực giữ gìn truyền thống lịch sử - văn hóa; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững; tạo môi trường sinh thái tốt phục vụ đời sống nhân dân.

2. Thực hiện các giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân về điều kiện kinh tế - vật chất với mục tiêu phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân đầu người đạt 55,0 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị; ưu tiên hỗ trợ đầu tư từ ngân sách tỉnh cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hoàn chỉnh hệ thống đô thị phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; có sắc thái kiến trúc đô thị riêng và môi trường, chất lượng sống tốt, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa năm 2024 đạt 25%. Tập trung điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở trên địa bàn, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, di dời, bố trí các hộ dân đang cư trú tại các vùng xung yếu, có nguy cơ rủi ro cao do tác động của biến đổi khí hậu đến nơi an toàn. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa giảm nghèo nhanh và bền vững, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng cao so với vùng thấp; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

3. Thực hiện các giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân về đời sống xã hội - tinh thần, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; đặc biệt là các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống nhằm phát huy các giá trị văn hóa bản sắc của các dân tộc trong tỉnh. Các địa phương tổ chức các lễ hội văn hóa - du lịch, các lễ hội dân gian, truyền thống đảm bảo đổi mới về nội dung, sáng tạo trong cách thức tổ chức thực hiện, vừa thu hút du khách, vừa lan tỏa tạo không khí vui tươi trong nhân dân và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương. Tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng các khu vui chơi, giải trí trong cộng đồng khu dân cư; đổi mới hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ nghệ thuật, câu lạc bộ thể dục thể thao… tại các thôn, bản, tổ dân phố tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Tiếp tục quan tâm, động viên các văn nghệ sỹ sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi quê hương, đất nước phản ánh và lan tỏa sự hài lòng, hạnh phúc của người dân; chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sỹ, coi đội ngũ văn nghệ sỹ là những "chiến sỹ trên mặt trận văn hóa", là nguồn sáng tạo các tác phẩm góp phần nâng cao giá trị tinh thần cho nhân dân.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy và học; duy trì và nâng cao chất lượng xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện miễn, giảm học phí phù hợp cho từng đối tượng, từng vùng miền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa được tham gia học tập; chủ động nghiên cứu và thực hiện các giải pháp cần thiết để hỗ trợ học sinh, giáo viên khi không được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước tại các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.

Chăm lo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là đối với người dân ở khu vực nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và nhân dân. Xây dựng các giải pháp hỗ trợ người dân thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo duy trì tham gia bảo hiểm y tế. Nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động để thực hiện đúng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm đi đôi với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", góp phần đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của hội đồng nhân dân các cấp; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; gắn công tác tiếp dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo thường xuyên, kịp thời ngay từ cơ sở, không để tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Phát huy vai trò nòng cốt chính trị gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng sự hài lòng của người dân; cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt văn hóa công sở, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức đối với nhân dân; nêu cao tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung của nhân dân với phương châm "Cán bộ là công bộc của dân, chính quyền là để phục vụ nhân dân". Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ hành chính công ccác cấp theo hướng công khai, minh bạch, giải quyết công việc nhanh, thuận lợi, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ; đảm bảo thực hiện tốt các yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công và các tiêu chí, áp dụng đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức. Phấn đấu đứng trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

4. Thực hiện các giải pháp chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ của người dân, trong đó thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ của người dân. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc. Triển khai thực hiệt tốt công tác phục vụ thăm khám sức khỏe định kỳ, quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong; chủ động kiểm soát có hiệu quả các dịch bệnh. Thực hiện tốt chính sách thu hút nhân lực y tế chất lượng cao; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế dự phòng gắn với đổi mới hệ thống y tế cơ sở, phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh, sinh viên, học viên thông qua việc đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, phát triển các câu lạc bộ thể dục thể thao trong cơ quan, đơn vị, trường học, thôn, bản, tổ dân phố nhằm nâng cao sức khỏe của nhân dân. Tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả các thông tin có liên quan đến tác hại của rượu bia, thuốc lá, chất kích thích đối với sức khỏe cá nhân và cộng đồng; ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và sự phát triển chung của xã hội.

Chú trọng chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi với phương châm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm và là quyền lợi của mỗi người. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ và tổ chức các chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo cho người cao tuổi trên địa bàn. Phát triển quỹ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, đặc biệt là quỹ chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi tại các xã, phường, thị trấn. Phấn đấu năm 2024, tuổi thọ trung bình của người dân Yên Bái đạt 74,3 tuổi, trong đó số năm sống khỏe tối thiểu 67,4 năm.

5. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, trong đó chú trọng công tác quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên hướng tới mục đích sử dụng hợp lý, tiết kiệm. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường. Coi trọng việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản; ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án/cơ sở xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra, rà soát, đánh giá việc tuân thủ pháp luật của các dự án khai thác khoáng sản; kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động đối với các công trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi có nguy cơ cao hoặc gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cấp nước an toàn khu vực đô thị và khu vực nông thôn, góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến nước và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt là hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch, dịch vụ vệ sinh phù hợp. Phấn đấu năm 2024, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 88%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%. Bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng cảnh quan làng xóm, thôn bản xanh, sạch, nâng cao điều kiện sống của người dân. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; chủ động các biện pháp ứng phó, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngay sau khi Kế hoạch của tỉnh ban hành, ngành văn hóa, Thể thao và du lịch đã xây dựng Kế hoạch triển khai của ngành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 163-KH/TU; lồng ghép vào quá trình thực hiện các nhiệm vụ của ngành được giao theo chức năng, nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch năm 2024. Phát huy vai trò của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái; tổ chức thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân chủ động tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy năng lực sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân, hướng tới xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".

Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chức năng, các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Phát huy tích cực vai trò quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; Nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; Giữ gìn, phát huy di sản văn hóa làm giàu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với các mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân; Đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ của người dân; Xây dựng các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu như: Phấn đấu năm 2024 có trên 89% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc, 74% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc, 30% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí xã, phường, thị trấn hạnh phúc.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy tốt chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân theo Kế hoạch của tỉnh đã đề ra./.

Tuyết Anh

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h

EMC Đã kết nối EMC